I. CƠ SỞ VẬT CHẤT - ĐỘI NGŨ CÁN BỘ GIẢNG VIÊN

1. Cơ sở vật chất

          Nhà trường có 02 cơ sở đào tạo với tổng diện tích là 25,41 ha gồm 69 phòng học, 84 phòng thực hành, thí nghiệm với tổng diện tích sử dụng 11.820 m2 được trang bị thiết bị hiện đại, tiên tiến theo thiết kế của các CTĐT. Các phòng học đều đạt diện tích trung bình ≥ 0,9m2/1 chỗ ngồi đảm bảo đủ quy định hiện hành, các phòng học đều được trang bị máy chiếu đa năng hoặc màn hình tinh thể lỏng phục vụ học tập và giảng dạy. Trang thiết bị phục vụ đào tạo có công nghệ tiên tiến như: Máy tiện CNC, trung tâm gia công đứng CNC, máy cắt Plassma CNC, máy gia công tia lửa điện CNC, Rô bốt Hàn, máy hàn MAG, MIG, TIG, ... Các thiết bị: chẩn đoán tổng hợp điện động cơ Brienbir, thử phanh AHS, giảm chấn AHS, kiểm tra trượt ngang AHS, kiểm tra góc đặt bánh xe dẫn hướng,... Các thiết bị điều khiển kết nối máy tính; PLC, Vi xử lý,... Máy may công nghiệp và các thiết bị chuyên dùng khác… Toàn bộ hoạt động quản lý trong Trường được hỗ trợ bởi hệ thống các phần mềm quản lý có bản quyền như: Quản lý đào tạo, quản lý nhân sự, quản lý tài chính, quản lý văn bản nội bộ... cho phép CBGV và SV truy cập thông qua tài khoản riêng.

          Nguồn học liệu trong thư viện được quản lý bằng phần mềm LIBOL 6.0 và hệ thống máy tính kết nối mạng (01 máy chủ, 06 máy trạm) cho phép người đọc tiếp cận và sử dụng các tài liệu điện tử và khai thác các nguồn thông tin khác trên mạng Internet. với 3.539 đầu sách tham khảo bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài đáp ứng đủ yêu cầu trong danh mục tài liệu tham khảo của các CTĐT, đáp ứng nhu cầu sử dụng của CBGV, SV trong giảng dạy và học tập. Nhà trường có thư viện điện tử với 56 máy tính phục vụ tra cứu và học tập. Thư viện điện tử của Trường được kết nối với cơ sở dữ liệu Proquest Central thuộc Liên hiệp các Thư viện Việt Nam. Từ 2012-2016, Nhà trường dành nguồn kinh phí 473 triệu để mua bổ sung tài liệu, sách báo và tạp chí cho thư viện.2 Nhà trường có Trung tâm thông tin thư viện với tổng diện tích 600m

2. Đội ngũ giảng viên, cán bộ viên chức:

          Hiện nay, Trường có 363 CBGV (190 giảng viên giảng dạy hệ đại học/sau đại học, trong đó 10,53% có trình độ tiến sỹ, còn lại đều có trình độ thạc sĩ),  ngoài ra có 56 giảng viên đang làm NCS trong và ngoài nước như: Nga, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,... Hàng năm có từ 5÷7 giảng viên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Phấn đấu đến năm 2020 có từ 19-21% giảng viên giảng dạy đại học có trình độ tiến sĩ.

          Trải qua 48 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ giảng viên lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Năm 2017 Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho 01 đồng chí; 14 thầy, cô giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 23 thầy, cô giáo đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi toàn quốc; 99 thầy, cô giáo đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, ngành; 11 thầy, cô giáo được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; hàng năm có hàng trăm lượt giảng viên được công nhận giảng viên dạy giỏi cấp trường.

II. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ

1. Nghiên cứu khoa học:

          Công tác nghiên cứu khoa học trong Trường Đại học Sao Đỏ luôn được coi trọng, triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú như thực hiện đề tài NCKH các cấp, tổ chức hội thảo khoa học, viết sách/giáo trình/bài báo. Trong 5 năm (2012-2016), CBGV Nhà trường đã thực hiện và nghiệm thu 08 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ, 136 đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở; nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu thông qua 292 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế (trong đó có 02 bài báo nằm trong hệ thống tạp chí ISI Scopus); viết và xuất bản 32 đầu sách tham khảo (có chỉ số ISBN) ứng dụng giảng dạy trong Nhà trường và được lưu hành trên toàn quốc. Các đề tài cấp bộ, cấp tỉnh hoặc đề tài gắn với các địa phương đều có những kiến nghị, đóng góp trực tiếp cho việc xây dựng chính sách và phát triển kinh tế xã hội của bộ, tỉnh, địa phương.

          Nhà trường thực hiện dự án “Xây dựng mô hình 3 bên Nhà trường – Doanh nghiệp – Chính phủ về phát triển kỹ năng và đẩy mạnh công nghiệp hóa tại Việt Nam” có sự tham gia và tài trợ của Trường đại học Han Kok Hàn Quốc; Trường tham gia các dự án của chương trình khuyến công guốc gia. Việc thực hiện các dự án đã góp phần tăng cường mối quan hệ giữa  Trường đại học Sao Đỏ với các Trường trong Bộ Công Thương, các doanh nghiệp và hỗ trợ nhau trong hoạt động đào tạo, chuyển giao công nghệ, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.

          Kế hoạch KHCN được Trường chủ động xây dựng hàng năm, bổ sung và đánh giá thường xuyên. Hoạt động KHCN được tạo điều kiện tổ chức, đáp ứng yêu cầu (theo kế hoạch và đột xuất) của các đơn vị và giảng viên.

          Số lượng các nhiệm vụ KHCN có xu hướng tăng. Với đề tài cấp bộ: từ năm 2012 đến năm 2014 mỗi năm có 01 đề tài; năm 2015: 02 đề tài; năm 2016; 03 đề tài; Với đề tài cấp cơ sở : năm 2012: 11 đề tài; năm 2014: 19 đề tài; năm 2015: 45 đề tài; năm 2016: 45 đề tài. Số lượng các bài báo cũng tăng theo các  năm (năm 2012: 30 bài; năm 2013: 37 bài; năm 2014: 62 bài; năm 2015: 67 bài và năm 2016: 96 bài). Chất lượng các bài báo trong nước và năng lực nghiên cứu của cán bộ, giảng viên ngày càng được nâng cao, đảm bảo vừa có tính lý luận, vừa có tính thực tiễn.

2. Hợp tác quốc tế

          Trong bối cảnh đất nước ngày càng đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thực hiện đường lối đối ngoại theo hướng rộng mở, đa dạng hoá các mối quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước, quan hệ hợp tác quốc tế của Trường Đại học Sao Đỏ cũng liên tục được mở rộng, phát triển. Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, các dự án, chương trình đào tạo liên kết với đối tác nước ngoài đã được củng cố và tiếp tục triển khai tại trường, nhiều đoàn đại biểu quốc tế đã thăm quan, giao lưu và làm việc cùng với nhà trường.

          Hiện nay, Trường Đại học Sao Đỏ đã thiết lập quan hệ với các trường, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và trao đổi sinh viên: Trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Irkutsk, Mokpo – Hàn Quốc, Trường Đại học Bách khoa miền Nam Nga, Trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Moscow, Trường Đại học Kỹ thuật Lâm nghiệp Saint Petersburg (Liên bang Nga); Trường Nhật ngữ AN (Nhật Bản)…

Để nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu, các cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý của trường thường xuyên được đi trao đổi học tập, nghiên cứu và thực tập tại các trường, viện trên thế giới thông qua các chương trình giao lưu, liên kết đào tạo, các dự án hợp tác, các thoả thuận hợp tác song phương và đa phương. Thông qua các chương trình hợp tác, cán bộ giáo viên của trường có điều kiện tiếp cận và giành được nhiều suất học bổng đào tạo sau đại học. Song song với việc cử cán bộ đi học tập, nhà trường đang xúc tiến tiếp nhận các sinh viên nước ngoài đến học chương trình đại học, các khoá học ngắn hạn và các chương trình giao lưu sinh viên.
Thông tin liên hệ:

Cơ sở 1: Số 24 – Thái Học 2 – Phường Sao Đỏ - Thị xã Chí Linh – Tỉnh Hải Dương
Cơ sở 2: Km 78 quốc lộ 37, Phường Thái Học – Thị xã Chí Linh – Tỉnh Hải Dương
Điện thoại: 02203 882 269   Fax: 02203 882921
Website: http://saodo.edu.vn