I. Triết lý giáo dục

1. Triết lý giáo dục : Nhân văn, Sáng tạo, Thích ứng

2. Ý nghĩa chung của triết lý giáo dục

Triết lý giáo dục của một trường đại học là tư tưởng chỉ đạo, xuyên suốt làm định hướng phát triển cho nhà trường. Với Triết lý “Nhân văn, Sáng tạo, Thích ứng”, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng hướng đến việc đào tạo ra những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ vừa có kiến thức chuyên môn vững vàng, đạo đức trong sáng, lòng nhân ái và sẵn sàng tiếp nhận tinh hoa và tri thức của nhân loại, hội nhập vào môi trường làm việc đa văn hóa, đa ngôn ngữ.

3. Nội dung của Triết lý giáo dục:

Nhân văn: Đạo đức là cái gốc của mọi vấn đề. Đặc biệt, không có gì quan trọng hơn tính nhân văn trong môi trường giáo dục. Trường Đại học Ngoại ngữ coi trọng việc đào tạo ra những thế hệ sinh viên, học viên vừa có kiến thức chuyên sâu, vừa phải có khát vọng vươn lên, có tình yêu thương con người sâu sắc để trở thành những con người vừa có học vấn cao, vừa có văn hóa-nhân cách tốt.

Sáng tạo: Sáng tạo là bậc cao nhất của quá trình phát triển tư duy. Trường Đại học Ngoại ngữ hướng đến việc đào tạo ra những thế hệ sinh viên, học viên có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, luôn biết tìm tòi và học hỏi để tìm ra tri thức mới, phương pháp giải quyết khoa học để đạt được hiệu quả cao nhất.

Thích ứng: Trong môi trường hội nhập quốc tế hiện nay, đòi hỏi người lao động phải có đáp ứng tốt các yêu cầu khác nhau trong mọi hoàn cảnh công tác. Trường Đại học Ngoại ngữ hướng đến việc đào tạo ra những thế hệ sinh viên, học viên có khả năng thích ứng trong mọi hoàn cảnh, không ngừng nâng cao nhận thức về văn hóa, liên văn hóa, ngôn ngữ và ngoại ngữ để hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế tri thức toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng hiện nay.

Các nội dung Triết lý giáo dục của Trường Đại học Ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu đổi mới của đất nước, đáp ứng được yêu cầu của người học và sự kỳ vọng của xã hội. Triết lý Giáo dục của Trường Đại học Ngoại ngữ là kim chỉ nam cho mọi hoạt động giáo dục của Nhà trường.

II. Mục tiêu đào tạo 

Các chương trình giáo dục đại học tại Trường Đại học Ngoại ngữ đào tạo ra những cử nhân có chất lượng tốt, có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ, có kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ văn hóa các nước, về khu vực và các vấn đề quốc tế, có kiến thức và các kỹ năng cần thiết để công tác trong các lĩnh vực như biên phiên dịch, quản trị văn phòng, nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa và quốc tế học. Người học cũng có thể tiếp tục tự học, tham gia học tập ở bậc học cao hơn, tích lũy những phẩm chất và kĩ năng cá nhân cũng như nghề nghiệp quan trọng để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

Cụ thể: 

1. Về kiến thức

Tốt nghiệp chương trình đào tạo, người học có kiến thức lý thuyết chuyên sâu trong lĩnh vực đào tạo; nắm vững kỹ thuật và có kiến thức thực tế để có thể giải quyết các công việc phức tạp; tích luỹ được kiến thức nền tảng về các nguyên lý cơ bản, các quy luật tự nhiên và xã hội trong lĩnh vực được đào tạo để phát triển kiến thức mới và có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn; có kiến thức quản lý, điều hành, kiến thức pháp luật và bảo vệ môi trường liên quan đến lĩnh vực được đào tạo 

2. Về kỹ năng

a) Vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh để xác định phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu cụ thể. Nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn đất nước. Nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng để xác định, phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể trong nghiên cứu, học tập và cống hiến, đóng góp cho cuộc sống xã hội; Có khả năng lập luận tư duy và giải quyết các vấn đề thuộc định hướng đào tạo của mình.

b) Có kỹ năng hoàn thành công việc phức tạp đòi hỏi vận dụng kiến thức lý thuyết và thực tiễn của ngành được đào tạo trong những bối cảnh khác nhau; có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin, tổng hợp ý kiến tập thể và sử dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề thực tế hay trừu tượng trong lĩnh vực được đào tạo; có năng lực dẫn dắt chuyên môn để xử lý những vấn đề quy mô địa phương và vùng miền;

c) Có khả năng quản lí thời gian, kỹ năng thích ứng, kỹ năng học và tự học, kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, đưa ra giải pháp, kiến nghị, kỹ năng phân tích, tổng hợp; 

d) Có năng lực phát triển nghề nghiệp, biết tự đánh giá, tự học và tự rèn luyện nhằm nâng cao năng lực bản thân, chất lượng, hiệu quả công việc. Biết phát hiện và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp nhằm đáp ứng những yêu cầu mới

e) Sáng tạo, dẫn dắt và phát triển nghề nghiệp thông qua khả năng tự học, học tập suốt đời, phát triển các kiến thức và kỹ năng cần thiết và khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi của thực tế;

f) Có kỹ năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo, cụ thể: Giao tiếp tốt bằng văn bản và lời nói (trao đổi, thuyết trình), truyền đạt thông tin và chuyển giao kiến thức dưới dạng nói và viết; Có khả năng áp dụng những kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tinh tế trong các hoàn cảnh cụ thể và đa dạng.

g) Sử dụng thành thạo các công cụ công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyên môn; thành thạo trong việc khai thác hiệu quả Internet phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu. Có khả năng tổ chức lưu trữ thông tin trên máy tính và sử dụng máy tính để giải quyết các vấn đề thông dụng.

3. Về năng lực tự chủ và trách nhiệm

a) Có đầy đủ các phẩm chất đạo đức cá nhân, đạo đức nghề nghiệp, xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân, có tư cách, tác phong đúng đắn của người công dân; có chuẩn mực đạo đức trong các quan hệ xã hội, sống và làm việc có trách nhiệm với cộng đồng và đất nước; có lối sống lành mạnh, văn minh, phù hợp với bản sắc dân tộc; có tác phong mẫu mực, làm việc khoa học.

b) Có năng lực dẫn dắt về chuyên môn, nghiệp vụ đã được đào tạo; có sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; có khả năng tự định hướng, thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau; tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; có khả năng đưa ra được kết luận về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thông thường và một số vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật; có năng lực lập kế hoạch, điều phối, phát huy trí tuệ tập thể; có năng lực đánh giá và cải tiến các hoạt động chuyên môn ở quy mô trung bình.