Ngay từ những ngày đầu giành chính quyền, sau khi các Toà án được thiết lập theo Sắc lệnh số 13/SL ngày 13/9/1945, cùng với hoạt động của Toà án, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ Toà án cũng được hình thành và phát triển. Ban đầu việc đào tạo, bồi dưỡng thực hiện thông qua các hội nghị học tập hoặc các lớp huấn luyện ngắn hạn từ 3 đến 4 tháng được tổ chức trong cả nước.

Năm 1960, Trường Tư pháp Trung ương được thành lập trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao (sau đổi tên thành Trường Cán bộ Tòa án, Trường Cao đẳng Tòa án, có trụ sở tại Hà Nội, nay là trụ sở Trường Đại học Luật Hà Nội). Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trường Cán bộ Tòa án cơ sở 2 được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hai cơ sở này chủ yếu mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng có trình độ sơ cấp 6 tháng và trung cấp 12 tháng đồng thời, Trường mời các nhà chính trị, các chuyên gia pháp luật, chuyên gia về khoa học xã hội, chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc sang giảng bài cho một số khóa đào tạo.

Từ năm 1972 đến năm 1979, thời gian đầu Trường mở hệ đào tạo trung cấp 14 tháng và những năm tiếp theo là 24 tháng.

Năm 1979, Trường được nâng lên thành Trường Cao đẳng Tòa án và mở hệ đào tạo cao đẳng 36 tháng với nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ xét xử chuyên ngành Tòa án làm nguồn bổ sung thẩm phán cho Toà án nhân dân các cấp.

Những thế hệ cán bộ được đào tạo đã phát huy được năng lực công tác, sau khi được bổ nhiệm Thẩm phán đã thực hiện tốt công tác hòa giải, xét xử, đảm bảo đúng đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng và pháp luật quy định theo từng giai đoạn lịch sử và yêu cầu của cách mạng Việt Nam. Có thể khẳng định, hầu hết các chức danh tư pháp trong ngành Tòa án đều do các Trường Cán bộ Tòa án đào tạo, bồi dưỡng và thể hiện được phẩm chất chuyên môn, năng lực công tác; và rất nhiều các đồng chí lãnh đạo Tòa án các cấp và nhiều cơ quan tư pháp khác hiện nay, đều được đào tạo và trưởng thành từ những mái trường này.

Năm 1982, do yêu cầu nhiệm vụ chung, TANDTC đã chuyển giao công tác quản lý các Tòa án địa phương về tổ chức sang Bộ Tư pháp nên Trường Cao đẳng Tòa án cũng được sáp nhập với Trường Đại học Pháp lý Hà Nội (nay là Trường đại học Luật Hà Nội) trực thuộc sự quản lý của Bộ Tư pháp. Chương trình đào tạo của Trường có thời gian là 48 tháng, người học được trang bị hệ thống kiến thức về pháp luật cơ bản chung nhất, sau khi tốt nghiệp các học viên được cấp bằng Cử nhân Luật và một số được tuyển dụng làm việc tại toà án, đây là nguồn để Chủ tịch nước bổ nhiệm thẩm phán toà án các cấp theo quy định của Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1992.

Từ khi sáp nhập, tuy không còn cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nhưng trong giai đoạn này, việc tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm, kỹ năng xét xử xét xử vẫn được duy trì thường xuyên qua các Hội nghị chuyên đề.

Năm 1994, Trường Cán bộ Tòa án trực thuộc TANDTC được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn thành lập lại theo Nghị quyết số 210/UBTVQH khóa IX ngày 20-5-1994 và Quyết định thành lập số 100/TCCB ngày 23-8-1994 của Chánh án TANDTC.

Ngày 30/7/2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1191/QĐ-TTg thành lập Học viện Tòa án trên cơ sở Trường Cán bộ Tòa án. Theo Quyết định này, Học viện Tòa án có trụ sở chính tại thành phố Hà Nội; Học viện Tòa án là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao.