Chức năng

Quản lý các Khu thử nghiệm công nghệ, Khu nghiên cứu triển khai công nghệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và tổ chức các hoạt động hỗ trợ, ươm tạo, nghiên cứu và triển khai công nghệ cao.

Nhiệm vụ

a) Quản lý, khai thác, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển hạ tầng Khu công nghệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam;

b) Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, ươm tạo, hoàn thiện và triển khai công nghệ cao. Hỗ trợ các hoạt động sản xuất thử, thử nghiệm, triển khai công nghệ của các đơn vị tại Khu công nghệ; 

c) Nghiên cứu, thiết kế chế tạo thiết bị khoa học - công nghệ và các sản phẩm công nghệ khác, thí nghiệm vật liệu phục vụ hoạt động nghiên cứu và triển khai công nghệ cao;

d) Quảng bá, truyền thông về công nghệ;

e) Thực hiện các dịch vụ, tư vấn, phát triển khoa học công nghệ, hợp tác triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ theo quy định của Nhà nước và của Viện Hàn lâm;

f) Giúp Chủ tịch Viện Hàn lâm thẩm định hoặc tham gia thẩm định công nghệ tại các Khu công nghệ;

g) Tham gia đào tạo cán bộ kỹ thuật, công nghệ trình độ cao theo các hướng công nghệ tiên tiến được triển khai tại Khu công nghệ;

h) Hợp tác quốc tế về nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ theo quy định của Nhà nước và của Viện Hàn lâm;

i) Quản lý về tổ chức, bộ máy; quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị theo quy định của Nhà nước và của Viện Hàn lâm;

j) Quản lý về tài chính, tài sản của đơn vị theo quy định của Nhà nước;

k) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giao.

Cơ cấu tổ chức

Trung tâm Phát triển công nghệ cao có Hội đồng Tư vấn Khoa học công nghệ và 14 đơn  vị trực thuộc gồm:

1. Phòng Quản lý tổng hợp

2. Phòng Quản lý và Phát triển hạ tầng

3. Phòng Phát triển công nghệ Y – Sinh

4. Phòng Phát triển công nghệ Sinh học ứng dụng

5. Phòng Phát triển công nghệ hóa học

6. Phòng Phát triển vật lý kỹ thuật

7. Xưởng Cơ khí điện tử

8. Trung tâm Dịch vụ và Truyền thông công nghệ

9. Trung tâm Phát triển công nghệ Tây Bắc

10. Trung tâm Phát triển và Ứng dụng công nghệ môi trường

11. Trung tâm Vật lý chất mềm và Vật lý sinh học

12. Trung tâm Phát triển công nghệ hóa học nông nghiệp

13. Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến sau thu hoạch

14. Trung tâm Phát triển công nghệ vật liệu tiên tiến 

Định hướng phát triển.

Chiến lược và định hướng phát triển của Trung tâm trong thời gian tới với tầm nhìn đến năm 2030 có  mục tiêu tổng quát là: Xây dựng Trung tâm Phát triển công nghệ cao (HTD) thành một cơ sở nghiên cứu phát triển, ươm tạo công nghệ, sản xuất thử nghiệm và chuyển giao công nghệ cao có uy tín tại Việt Nam và khu vực với những công nghệ mũi nhọn được phát triển và làm chủ: Công nghệ vật liệu tiên tiến; Công nghệ sinh học và vật lý sinh học; Công nghệ tăng trưởng xanh và tiết kiệm năng lượng; Công nghệ chế biến sau thu hoạch.

Tiềm lực khoa học và công nghệ.

Về nhân lực khoa học:

Tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia làm việc tại các cơ sở thuộc Trung tâm gần 170 người, trong đó có 05 Giáo sư, Tiến sỹ; 09 Phó giáo sư, Tiến sỹ; 39 Tiến sỹ; 37 Thạc sỹ; 61 kỹ sư, cử nhân...

Về cơ sở vật chất:

Trung tâm Phát triển công nghệ cao được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giao quản lý và khai thác các khu thử nghiệm công nghệ, khu nghiên cứu và triển khai công nghệ, khu ươm tạo công nghệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cụ thể là:

- Khu Nghiên cứu và Thử nghiệm công nghệ Nghĩa Đô;

- Khu Khu nghiên cứu và Triển khai công nghệ Cổ Nhuế;

- Khu Ươm tạo công nghệ tại Nghĩa Đô;

- Khu Nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Nguyên.

Ngoài ra, Trung tâm còn trực tiếp quản lý một hệ thống các phòng thí nghiệm với trang thiết bị hiện đại, các trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ (trong đó có Trung tâm Phát triển công nghệ Tây Bắc có diện tích mặt bằng trên 3000 m2  và gần 300 m2 nhà làm việc) , Xưởng Cơ khí – Điện tử có diện tích 1200 m2 với đầy đủ trang thiết bị tiên tiến cho phép phát triển và sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghệ cao thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHCN ĐANG TRIỂN KHAI 

Hiện tại Trung tâm Phát triển công nghệ cao đang chủ trì thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học, công nghệ quan trọng các cấp như:

Dự án quốc tế:“Phát triển và thúc đẩy công nghệ LED cho chiếu sáng chung ở Việt Nam” do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ không hoàn lại;

Nhiệm vụ KHCN trọng điểm cấp Viện Hàn lâ Khoa học và Công nghệ Việt Nam:“Nghiên cứu phát triển công nghệ và chế tạo một số chủng loại vật liệu có tính năng đặc biệt phục vụ quốc phòng giai đoạn 2017-2019”;

Nhiệm vụ KHCN trọng điểm thuộc Bộ NN&PTNT:"Nghiên cứu phát triển công nghệ sấy gỗ rừng trồng sử dụng năng lượng mặt trời và công nghệ bơm nhiệt", trực tiếp thực hiện đề tài nhánh: “Nghiên cứu công nghệ tạo vật liệu hấp thụ năng lượng mặt trời cho thiết bị sấy sơ bộ gỗ xẻ rừng trồng”;

Các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Nhà nước:

(i) “Nghiên cứu công nghệ sản xuất 05 hệ chất tạo bọt chữa cháy thế hệ mới phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy” theo đặt hàng của Bộ Công an; (ii) “Nghiên cứu công nghệ chế tạo bê tông tính năng siêu cao (UHPC) phục vụ xây dựng một số công trình quốc phòng” theo đặt hàng của Bộ Quốc phòng; (iii)  “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống lạnh sản xuất đá lỏng để bảo quản sơ bộ cá ngừ đại dương” thuộc Chương trình KC-05; (iv) “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh CAFE-HTD01 và HOTIEU-HTD03 và sử dụng tích hợp các chế phẩm sinh, hóa học nhằm phát triển hiệu quả và bền vững cây cà phê và hồ tiêu ở Tây Nguyên” ; “Nghiên cứu phát triển và triển khai ứng dụng các môhình chiếu sáng điều khiển quang chu kỳ bằng đèn LED chuyên dụng nhằm nâng caohiệu quả sản xuất hoa cúc thương mại tại khu vực Tây Nguyên” thuộc Chương trình TâyNguyên giai đoạn 2016-2020; (v)Dự án: “Công nghệ sấy thế hệ mới sử dụng năng lượng mặt trời ứng dụng trong Nông – Lâm nghiệp tại Việt Nam” thuộc Chương trình tăng trưởng xanh; và nhiều nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản từ  Quỹ NAFOSTED như (vi)  “Nghiên cứu và chế tạo nguồn phát xạ điện tử ba cực sử dụng ống nano các bon làm vật liệu catốt” ;  (vii) “Nghiên cứu thành phần hóa học và đánh giá tác dụng hạ đường huyết của 2 loài Dregea volubilis và Dregea cuneifolia ở Việt Nam” ...

Ngoài ra, Trung tâm đang chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Phát triển Khu Nông nghiệp công nghệ cao của Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam tại Tây Nguyên” và nhiều dự án tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ khác.

Những năm gần đây, Trung tâm Phát triển công nghệ cao liên tục có những kết quả nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ được cấp Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và được công bố trên các tạp chí có uy tín. Chỉ tính riêng năm 2018, Trung tâm đã có 02 Bằng độc quyền sáng chế, GPHI;1 sách chuyên khảo; 23 bài báo quốc tế, bài náo trong nước Chỉ tính riêng năm 2017, Trung tâm đã có 1 Bằng độc quyền sáng chế, 1 sách chuyên khảo, 12 bài báo quốc tế loại SCI và SCIE và hàng chục bài báo trong nước. Trung tâm cũng đã triển khai ứng dụng thành công nhiều thành quả khoa học công nghệ vào sản xuất và phục vụ An ninh quốc phòng.