Song song đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Giai đoạn 2011-2017, lượng khách quốc tế tăng 2,1 lần, từ hơn 6 triệu lên hơn 12,9 triệu lượt khách. Khách du lịch nội địa cũng tăng 2,4 lần, từ 30 triệu lên 73,2 triệu lượt. Năm 2018 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 15,5 triệu lượt khách, tăng khoảng 20% so với năm 2017; (Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Du lịch). 

Hiện nay, cả nước có hơn 190 cơ sở đào tạo du lịch và tham gia giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp du lịch ở trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn, gồm: 65 trường đại học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng (có 10 trường cao đẳng chuyên đào tạo du lịch trong đó có 8 trường trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); 71 trường trung cấp. 

Phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế là nhiệm vụ đặt ra khi ngành du lịch được trao vị trí quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu hệ thống kinh tế quốc dân. Đây là thách thức cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch lữ hành cũng như các hệ thống trường đào tạo những ngành học này. 

Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Trường Đại học Văn Hiến phối hợp với Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 02 tháng 8 năm 2019, tại khách sạn Rex, thành phố Hồ Chí Minh.

Hình 1: toàn cảnh hội thảo sáng nay 

Hội thảo lần này có sự tham dự của PGS.TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ đào tạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM; TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch; cùng lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch TPHCM, Sở Du lịch các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hiệp hội du lịch Tp. HCM; Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam cũng như lãnh đạo các công ty du lịch lữ hành như Vietravel, Indochina, Arcenciel Hotel cùng đông đảo các diễn giả, khách mời đang công tác tại các trường đại học, cao đẳng. 

Hình 2 : PGS.TS Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Về phía lãnh đạo HungHau Holdings, có sự tham dự của ông Vũ Quang Chính, TGĐ Điều hành và các thành viên Ban Giám đốc điều hành,  phía nhà trường có sự tham dự của PGS.TS Trần Văn Thiện – hiệu trưởng nhà trường, lãnh đạo khoa du lịch cùng các giảng viên, sinh viên thuộc khoa. 

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Trần Văn Thiện cho biết, Trường ĐH Văn Hiến là một địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao có bề dày kinh nghiệm, có uy tín về chất lượng, trong những năm qua đã được người học và dư luận xã hội tín nhiệm, đánh giá cao. Nhà trường sẽ không ngừng nổ lực đổi mới chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy, nâng cao trình độ giáo viên và trang bị  cơ sở vật chất, không ngừng cải tiến dịch vụ phục vụ người học để trở thành là một trong những địa chỉ đào tạo  nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế nói chung và cho ngành du lịch nói riêng. 

Hình 3: PGS.TS Trần Văn Thiện – Hiệu trưởng phát biểu tại hội thảo 

Ban tổ chức đã nhận được 85 bài tham luận của các nhà khoa học đang làm việc tại các cơ quan quản lý ngành; các viện nghiên cứu; các doanh nghiệp kinh doanh du lịch; các thầy cô đang làm việc, giảng dạy tại các trường đại hoc, cao đẳng, trường nghề ở trong và ngoài nước gửi về. 

Tại hội thảo, các diễn giả tập trung trình bày các tham luận tập trung ở các nội dung chính như: những nghiên cứu về Đường lối, Chính sách của Đảng, Nhà nước đối với phát triển du lịch nói chung và nhân lực du lịch nói riêng; một số kinh nghiệm của các nước trong khu vực và quốc tế về phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao cùng bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; những vấn về thực trạng, yêu cầu mới cũng như các nhân tố tác động và những giải pháp đột phá đề phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) và hội nhập quốc tế. 

Vấn đề đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng nhu cầu khách du lịch quốc tế hay liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nhân lực du lịch hay chủ đề Phương pháp giảng dạy du lịch bậc đại học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được các diễn giả đề cập tại các báo cáo tham luận. 

Hình 4:  SV khoa Du lịch Văn Hiến đi thực tập tại DN. 

Đặc biệt, tại hội thảo các diễn giả nước ngoài cũng trình bày các tham luận như tham luận “Age isn’t but a number: Training a multi-generational tourism workforce” (Tuổi tác chỉ là những con số. Đào tạo nguồn nhân lực du lịch đa thế hệ.) của tác giả Swathi Ravichandran, tham luận  "Management competency development, and pre-service and in-service training of tourism human resources in Industry 4.0” (Phát triển năng lực quản lý: mô hình đào tạo nhân lực du lịch trước và trong ngành nghề trong cách mạng công nghiệp 4.0) của tác giả Gert J. Muller; tham luận ‘Impact of International Integration on Tourism Human Resources in ASEAN: An Implication for Vietnam” (Tác động của hội nhập quốc tế đến nguồn nhân lực du lịch trong khu vực Asean) của nhóm tác giả Joseph T. C. Lee, Mazrin Rohizaq Che Rose và Go You How; 

Hội thảo kết thúc vào lúc 12h cùng ngày. Hi vọng trong tương lai, khoa du lịch ĐH Văn Hiến sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động bổ ích, hiệu quả hơn nữa, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại trường, đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cho xã hội.