Tham dự Hội thảo có TS. Võ Văn Dũng – Phụ trách Phòng Quản lý khoa học, TS. Trần Thị Yên Ninh – Trưởng Khoa Lý luận cơ bản, các nhà khoa học, các giảng viên và đông đảo sinh viên Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại trường Đại học Khánh Hoà, ngành Việt Nam học (Văn hóa Du lịch) và Văn học (Văn học – Báo chí, truyền thông) thuộc khối ngành Khoa học xã hội và nhân văn. Đây là hai ngành học được đào tạo theo hướng ứng dụng phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, mở ra nhiều cơ hội học tập và việc làm cho người học.

TS. Võ Văn Dũng phát biểu tại Hội thảo

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 30 bài tham luận của các nhà khoa học, các giảng viên trong và ngoài trường. Nội dung các bài viết xoay quanh thực trạng liên quan đến chất lượng đào tạo cũng như năng lực học tập của sinh viên ngành Văn học (Văn học – Báo chí, truyền thông) và ngành Việt Nam học (Văn hóa Du lịch), từ đó, đề xuất các giải pháp hữu ích nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Mở đầu Hội thảo, bài tham luận của ThS. Trần Thị Kim Thu đi sâu vào phân tích, đánh giá những cơ hội và thách thức của trường Đại học Khánh Hòa khi đào tạo ngành Văn học (Văn học – Báo chí, truyền thông) theo hướng ứng dụng, đa mục tiêu. Theo tác giả, đội ngũ làm báo chí, truyền thông tương lai của trường sẽ là người đưa tin nhanh chóng, trung thực với chiều sâu văn hóa và sự hiểu biết xã hội sâu sắc, toàn diện, nhân văn.

Trong tham luận của mình, thông qua việc tìm hiểu xu hướng hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, ThS. Nguyễn Thị Nga đã đánh giá thực trạng và đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Việt Nam học (Văn hóa Du lịch) trong bối cảnh toàn cầu hóa.

ThS. Nguyễn Văn Tuấn trên cơ sở phân tích những tác động của cuộc cách mạng kỹ thuật số, đã đưa ra những nhận định nghề nghiệp và cơ hội việc làm của sinh viên ngành Văn học (Văn học – Báo chí, truyền thông). Trong khi đó, ThS. Trương Văn Phượng quan tâm đến các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn ngành học của sinh viên khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường Đại học Khánh Hòa.

TS. Bùi Thị Thanh Diệu sử dụng các số liệu thống kê về chương trình đào tạo, đồng thời sử dụng phương pháp quan sát lớp học, khảo sát bằng phiếu hỏi đối sinh viên để phân tích, đánh giá thực trạng năng lực thông tin của sinh viên ngành Văn học (Văn học – Báo chí, truyền thông) và ngành Văn hoá học (Văn hoá – Truyền thông).

Bài viết của ThS. Nguyễn Thị Kim Hằng trình bày kết quả khảo sát thực trạng và một số đề xuất nhằm nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên ngành Việt Nam học (Văn hóa Du lịch), trường Đại học Khánh Hòa.

Các giảng viên Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường Đại học Khánh Hoà

Trong phần thảo luận của Hội thảo, các đại biểu, giảng viên và sinh viên đã tích cực trao đổi về các vấn đề liên quan đến giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo như  tình hình học tập của sinh viên, các kĩ năng mềm cần có đối với sinh viên, thực tế và hiệu quả của việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên…

Sinh viên khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn trao đổi với các tác giả

 

Sau hơn bốn tiếng đồng hồ làm việc nghiêm túc, sôi nổi, Hội thảo đã thành công tốt đẹp./.